Trường THCS Phan Châu Trinh | THCS Phan Châu Trinh

Tin giáo dục

Đến nhé, Hội trại Kỉ niệm 40 năm chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước
Cập nhật ngày 02-01-2016

Những ngày tháng Bảy lịch sử này, triệu triệu trái tim người con đất Quảng nói chung và Nông Sơn nói riêng đều hướng đến Kỉ niệm 40 chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước (18/7/1974-18/7/2014) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.
 
Còn đó những chiến công
 
Nông Sơn - Trung Phước là khu căn cứ phòng thủ đầu não toàn vùng của địch, nơi xuất phát những cuộc càn quét, đánh phá, gây nợ máu với nhân dân. Nông Sơn - Trung Phước trước 1974 chỉ bị quân giải phóng của ta tấn công một lần vào năm 1967, nhưng không dứt điểm được. Từ đó, Nông Sơn - Trung Phước được quân địch tổ chức thành khu căn cứ mạnh và chúng luôn huênh hoang: “Khi nào nước sông Thu Bồn chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Nông Sơn”.
Tại cứ điểm Nông Sơn có 9 lớp rào thép gai và 41 lô cốt, nhiều hầm ngầm, 1 trận địa pháo 105mm, 1 tiểu đoàn biệt động quân, đảm nhận các điểm cao 452 Cà Tang, 298 Nông Sơn, kiểm soát toàn bộ vùng mỏ than Nông Sơn. Ngoài khu phòng thủ căn cứ Nông Sơn còn có 11 cứ điểm ngoại vi, mỗi cứ điểm có từ 1 đến 2 trung đội lính bảo an, dân vệ chiếm giữ các điểm cao từ Khương Quế, Phường Rạnh đến Khương Bình, Ninh Hòa, Trung Phước.
 
Đầu năm 1974, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V, chủ trương tổ chức một đợt hoạt động mạnh trên toàn chiến trường, đến chiến dịch Thu 1974 với trọng điểm là tiêu diệt những đơn vị lớn của địch trong căn cứ cũng như đón đánh địch đến giải tỏa, trong đó có tiến công cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước. Tháng 6/1974, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng có Nghị quyết về tấn công và nổi dậy tiêu diệt các đồn bốt, cứ điểm ở phía Tây đường 1A để mở rộng vùng giải phóng, trong đó có cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước.
 
Với việc phân tích kỹ tình hình và quyết tâm cao của cán bộ, chiến sỹ quân ta, cuộc tấn công bắt đầu vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 18/7/1974. Đặc công sư đoàn diệt chốt Cà Tang, quả mìn nổ ở Cà Tang cũng là hiệu lệnh mở màn.
 
16 giờ, ta tiêu diệt 38/41 lô cốt của địch. Thời cơ dứt điểm mục tiêu đã đến, 16 giờ 30 phút, nhận lệnh của Sư đoàn trưởng, các mũi xung kích bật dậy, hỏa lực B40, B41 dồn dập bắn vào các công sự còn lại và xung phong vào đồn. Quân địch ngoan cố chống cự đã bị ta tiêu diệt. Đến hơn 17 giờ, trong giây phút tuyệt vọng, bọn ngụy sống sót cho nổ quả mìn tự hủy có hàng tấn thuốc nổ đã chuẩn bị trước như báo hiệu cho Ngô Quang Trưởng và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu biết rằng Tiểu đoàn 78 biệt động quân cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 56 ngụy bị xóa sổ hoàn toàn.
 
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V mang dòng chữ: “Đoàn dũng cảm đánh hăng, vây lấn điểm cao, tiêu diệt gọn, dứt điểm nhanh, tấn công liên tục” do đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu trực tiếp trao cho Trung đoàn 31, đã được cắm trên Sở chỉ huy cứ điểm Nông Sơn.
 
Đến 17 giờ 15 phút, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Nông Sơn, huyện Nông Sơn được hoàn toàn giải phóng.
 
Nơi gặp gỡ, sẻ chia
 
Hội trại là nơi gặp gỡ, giao lưu của hơn 360 trại sinh đến từ 12 lều trại cùng nhau thêu dệt bức tranh Nông Sơn sống động và ôn lại quá khứ hào hùng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
 
Trong phút giây hân hoan ấy, đồng chí Trà Tiến Tài – Huyện uỷ viên - Bí thư Huyện đoàn – Trưởng Ban tổ chức Hội trại phát biểu trong buổi Lễ Khai mạc: “Hội trại là dịp ôn lại truyền thống đoàn kết đấu tranh trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng quê hương; đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tăng cường tinh thần đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương”.
 
Bên cạnh các hoạt động truyền thống, các trò chơi nhỏ được tổ chức vui nhộn, bổ ích, ý nghĩa cuốn hút người xem như: nhảy bao bố, đi cà kheo, bước chân đồng điệu, đổ nước vào chai... Đặc biệt, phải kể đến các tình tiết hoá trang thành các chiến sĩ anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Kim Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… khi tiến về đất trại trong nội dung trò chơi lớn đã tái hiện lại lịch sử dân tộc làm lay thức lòng người.
 
Các cổng trại được thiết kế sáng tạo, thẩm mỹ là điểm nhấn của Hội trại lần này. Đặc biệt, cổng trại của ngành Giáo dục với bố cục cân đối, tỉ lệ tương xứng, sử dụng đúng các nút dây ứng dụng, chú ý đến trọng tâm, lực chống đỡ, lực trì kéo để được vững vàng mà không bị đổ ngã giữa chừng.
 
Song song với đó, các tiết mục văn nghệ của Đoàn Văn công Quân khu V dàn dựng công phu, chuyên nghiệp mang hơi thở thời cuộc xoay quanh chủ đề về biển, đảo, quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa được các ca sĩ, diễn viên thể hiện đầy ấn tượng và là bữa tiệc tinh thần cho khán giả đến xem.
 
Chị Lê Thị Thắm - trại sinh ngành Giáo dục không giấu được niềm vui khi thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Hội trại, có rất nhiều cảm xúc đan xen khó nói thành lời. Và tự hào mình là người con đã sinh ra trên mảnh đất Nông Sơn anh hùng”.
 
Có thể nói, mặc dù tiết trời không thuận lợi nhưng được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo và với tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao đã đem đến thành công cho Hội trại lần này.
 
Kết thúc Hội trại, Ban tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn cho đơn vị xã Quế Lâm, giải Nhì thuộc về ngành Giáo dục, giải Ba cho đơn vị Nông trường cao su và đơn vị xã Sơn Viên đoạt giải Khuyến khích.
Tin tức khác
item satış